Lần theo tư liệu còn lưu lại của tộc Nguyễn, tộc Phạm tại làng Hương Quế, trong sự nghiệp mở cõi về phương nam, sau khi bình Chiêm thắng lợi, các danh tướng như Phạm Nhữ Tăng (là hậu duệ đời thứ 5 của danh tướng Phạm Ngũ Lão, được vua Lê Thánh Tông phong làm “Trung đô thống lãnh ấn tiên phong thụ đổng nhung chưởng thập đạo tinh binh thiết chế thủy lục quân” trong công cuộc bình Chiêm), Trần Văn Chơn (nguyên là Đô đốc chỉ huy hải quân), Nguyễn Ngọc Thanh (con trai của Nguyễn Văn Lang, một danh tướng đức độ, quê ở làng Gia Miêu, Tống Sơn, là hậu duệ bốn đời của danh thần lỗi lạc Nguyễn Trãi) vì đã có công lớn nên được vua sắc phong, ban thưởng và cho trấn an tại các vùng đất mới để bảo vệ biên cương. Trong đó, ngài Phạm Nhữ Tăng được giao trọng trách Quản lãnh đạo thừa tuyên Quảng Nam, tuyển mộ nhân lực vào khai hoang, mở ra nhiều vùng đất mới. Cùng với hai danh tướng Nguyễn, Trần, thủy tổ dòng họ Phạm đã chọn vùng đất Hương Quế để làm nơi an cư lạc nghiệp cho con cháu.
Cổng vào Nhà thờ Tam Tộc
Để tưởng nhớ công ơn tổ tiên, các anh hùng liệt sĩ và là nơi sinh hoạt cộng đồng ở miền đất mới, ba vị tiền hiền đã thống nhất lập đình thờ Tam tộc. Cụ Phạm Nhữ Trợ - Chủ tịch Hội đồng gia tộc Phạm Nhữ cho biết: Tam tộc cũng như đình thờ Tam tộc tại làng Hương Quế được hình thành sau năm 1471 trong thời vua Lê Thánh Tông (1470 - 1497), đình thờ Tam tộc có trước nhà thờ của ba tộc hiện nay (thế kỷ 16). Do chiến tranh tàn phá và theo thời gian đình thờ cũng xuống cấp, hư hỏng nên đã được di chuyển qua 5 địa điểm trong làng. Đình thờ hiện tại nằm ở vị trí trung tâm của cả làng Hương Quế (thôn Hương Quế Trung), được xây dựng từ năm 1960. Đình thờ được xây dựng theo lối kiến trúc đình cổ, nhà ba gian. Gian giữa thờ thủy tổ tộc Phạm, gian bên phải thờ thủy tổ tộc Nguyễn và gian bên trái thờ thủy tổ tộc Trần. Đình thờ Tam tộc là một trong những di tích hiếm hoi còn sót lại ở Quảng Nam, bởi nó không chỉ gìn giữ được các bản sắc, giá trị văn hóa làng xã của Việt Nam mà còn in đậm giá trị lịch sử, phản ánh đời sống và quá trình di dân của cư dân Việt trên tiến trình mở mang bờ cõi. Hằng năm, vào các dịp lễ tết, tại đình thờ vẫn còn duy trì các hoạt động như cúng thượng nêu (25 tháng 12 âm lịch), cúng hạ nêu (mùng 7 âm lịch), lễ cúng xuân kỳ (16 tháng 3 âm lịch), thu tế (16 tháng 8 âm lịch)…
Bên trong nhà Thờ Tam Tộc
Với các đặc điểm văn hóa, lịch sử đặc sắc, ngày 12.5, đình thờ Tam vị tiền hiền làng Hương Quế vui mừng đón nhận Bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Trải qua non nửa thế kỷ được xây dựng, đình thờ hiện nay cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Dịp này, cùng với sự đóng góp của con cháu làng Hương Quế đang sinh sống và làm ăn ở mọi miền đất nước, ngôi đình thờ sẽ được động thổ tôn tạo, trùng tu. Đây được xem là niềm vui lớn không chỉ với những người luôn đau đáu về việc bảo tồn những giá trị di tích lịch sử, văn hóa của làng mà còn là niềm vui của đông đảo người dân làng Hương Quế.