Chi tiết tin

A+ | A | A-

Đua ghe trên ... Nổng cát

Phương Trì - cái cồn cát xưa kia vốn là biển, khi biển dần lùi xa về phía Đông để lại nơi đây những nổng cát cao, có khi cách xa bờ biển hiện nay mấy chục cây số. Phương Trì là một trong nhưng nổng cát xa biển nhất nay thuộc xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Xa đến tận chân núi Hòn Hầm, dãy núi choãi ra kề cận đồng bằng Xuân Phú.

IMG 2164

IMG 2164

             Khá nhiều vùng cát thuộc Phương Trì là nghĩa địa, những rừng tràm, bạch đàn và các xóm thôn xen kẽ nhau tạo nên một vùng nông thôn trù phú. Lại thêm một nhánh của sông Rù Rì, chảy vòng ra hướng bắc Núi Quế, chảy sát dưới chân nổng cát Phương Trì đoạn qua dốc Ông Hùng, ra phía cầu Chín Ốc. Từ đây một nhánh chảy qua các làng Thượng Vĩnh, Trung Vĩnh chảy qua Cống Ba, ra biền Mông Lãnh, nhập với một phụ lưu của sông Thu Bồn là nhánh sông Bà Rén trước khi nhập vào Trường Giang rồi xuôi ra biển. Một nhánh khác, nhỏ hơn, chảy xuống phía cánh đồng nằm giữa xóm Sông xa xưa và làng Mông - Lãnh – trong (để phân biệt với làng Mông –Lãnh- ngoài nằm phía bắc biền Mông Lãnh) rồi cũng nhập vào với sông Bà Rén…

Sằm Chánh Phán, nơi ngày trước thường tổ chức đua ghe. Nay là một hồ sen


          Nghe kể lại rằng, vào gữa thế kỷ XIX để dẫn nước về tưới cho một số cánh đồng vùng Xuân Lư, Hương An, Đồng Tràm…, vốn là vùng đất khô cằn, người ta đã đào một con kênh từ vị trí khúc sông uốn chảy quanh theo chân núi Quế. Một năm có lụt lớn, sông phá con kênh để trở thành dòng chính như ngày nay. Còn dòng chính trở thành dòng phụ, nước chảy ngược đổ vào dòng mới. Vì thế, dòng sông cũ vốn chảy men theo triền nổng cát dần bị san lấp một số trở thành ruộng một số trở thành vũng, thành sằm nhưng cái dáng chảy của dòng sông xưa thì vẫn còn. Người dân còn gọi vùng này là sông Trước (Quế Sơn – Đất và người, trang 17). Rõ nhất là từ phía Nam dốc Ông Hùng đến vụng nước gần cầu Chín Ốc. Đoạn này vẫn thường xuyên nhận nước từ đập Khe Gũ chảy về, sau này thêm nước nguồn Phú Ninh nên không bao giờ bị khô hạn. Vì thế, làm lúa nơi này rất thuận lợi. Có vẻ như những người ở nơi này đã từng sóng ven sông nên vẫn còn lưu giữ những thói quen của vùng sông nước. Trong đó có thói quen thích đua/ xem đua ghe của mấy vùng ven sông phụ cận. Cũng có thể do thói quen thích đua ghe của các xóm làng quanh đó. Như đua ghe ở bàu Sằm Đáng phía dưới đường cái, một cái bàu sót lại nằm giữa nổng cát rộng mênh mông thuộc thị trấn Hương An tiếp giáp với mấy xã thuộc huyện Thăng Bình. (Bàu Sầm Đáng là điển hình của một vùng rừng ven biển cũ bị bồi cát lấp sau trở thành hồ nước giữa một nỗng cát rộng mênh mông. Ở đó thỉnh thoảng người ta đào được nhiều thanh củi mục to lớn dưới lòng cát trắng có khi sâu đến cả chục mét! Có nhiều khu có thể khai thác lấy than bùn chế biến thành phân bón ruộng). Bàu Sằm Đáng nằm ở phía đông nam cách Phương Trì không xa. Cứ đến mùa đua ghe là thiên hạ nô nức … khiêng ghe vào giữa nổng cát để đua! Hay đua ghe ở đoạn sông Ly Ly chảy qua xóm Trại. Hay đua ghe ở đoạn sông bà Rén chảy qua Xóm Gò… Trước, các cụm đua ghe đều cùng thuộc xã Quế Phú, sau này bàu Sằm Đáng được chia về thị trấn Hương An. Tuy dã chia tách xã nhưng xem ra cái niềm hào hứng thích đua/ xem đua ghe của mấy làng chả suy giảm chút nào.

IMG 2164

Cổng thôn văn hoá Mông Nghệ


           Theo lời chị Tiến, người làng Mông Nghệ nhà ở gần với nơi tổ chức đua ghe hằng nằm, thì khi mùa màng đã xong, chọn đúng lúc sau những cơn mưa dài nặng hạt, nước về lưng lửng đoạn ruộng khá thấp nằm phía trên chiếc cầu bắc qua con đường dẫn từ Mộc Bài lên Chợ Gò Phú Diên, nơi này có tên là Sằm Chánh Phán thuộc đất Mông Nghệ, có khi chọn đúng mùa lụt, nước xâm xấp mé đường thì mọi người đã nổi cơn … thèm đua rồi! Chỉ cần thả một ít mành mành chăng ngang cống thoát (nay đã là chiếc cầu bê tông khá vững chắc) lấp thêm ít đất giữ nước lại. Chỉ vài giờ là nước đã mênh mông chi xứ, biến khu ruộng trơ những rạ thành một cái hồ lớn. Tha hồ đua bơi gì mà chẳng được. Không có quy mô lớn đua toàn bằng ghe tiếng như các cuộc đua ở sông Câu Lâu, sông Bàn Thạch, hay Hội An, ở đây chỉ đua toàn ghe má. Hình như là ghe để chở má (mạ) đi cấy những năm trước. Đó là những chiếc ghe nhỏ dài vài ba thước, được đan bằng tre chủ yếu dành để chở người, vật dụng hay heo gà trong mùa lũ. Chọn những chiếc ghe còn mới, gọn, có dáng thanh và đặc biệt ít bị cản nước, có thể chèo đi với tốc độ lớn là có thể chọn làm ghe đua được rồi. Những năm sau này người ta chọn cả những chiếc ghe nhôm nên tốc đô các ghe đua được cải thiện hơn nhiều. Đơn vị nào không có ghe thì có thể “rước” ghe ở  thôn khác về cũng được! Miễn sao ngoại hình không “lán át” các ghe bạn là OK tất! Sau khi vận động đủ tiền trang trải cho cuộc đua thì ban tổ chức nhanh chóng lập một bàng quan (một kiểu sân khấu như để hát bội) ở ngay kề đường đi, mặt hướng ra phía các khoảng ruộng lúc này đã  mênh mông những nước. Rồi làm việc với các xóm hay các đội sản xuất. Quy mô cuộc đua tùy vào số kinh phí huy động được. Thường, chỉ tổ chức đua cho các đội sản xuất thuộc các xóm đó. Khi tiền bạc rủng rỉnh có thể “rước” thêm vài làng xung quanh. Chừng mươi ghe là có thể đua được rồi! Khi tiếng trống giục báo có cuộc đua ghe bắt đầu vang lên là mọi chuyện đâu vào đấy rồi. Không khác các cuộc đua bài bản là mấy, dù không có tiền án phạng cọc trước cho các đội đua nhưng cũng phân biệt thành hai giải đua rõ rệt. Lúc đầu là giải rượu, như một cách khởi động cho cuộc đua thêm phần khí thế (Tất nhiên là giải rượu chỉ tổ chức cho các ghe đua nam!). Khi người xem đã ken kín các miếng đất quanh khu hồ nước nhân tạo thì giải chính mới bắt đầu. Sau tiếng trống hiệu các con bơi hò nhau mạnh tay sải. Tiếng hét la hế la hề la rân một góc trời chen trong tiếng trống giục liên hồi kỳ trận. Mỗi lần đua ghe nam gồm 7 vòng với chiều dài 1400m, ghe nữ với 5 vòng tương ứng với độ dài 1000m, đâu có thua các cuộc đua tổ chức dưới sông! Từ rất xa đã nhận ra khí thế của cuộc đua ghe càng lúc càng gay cấn! Cho dù đó chỉ là cuộc đua ghe được tổ chức trên … một nổng cát! Đến mùa, người người nô nức theo tiếng trống và tiếng hò reo từ cuộc đua. Vẫn là không khí đã cũ xưa, cái không khí Tai nghe trống giục tùng tùng / con khóc lòi rún vẫn vùng dậy đi!  một thời chưa xa.
Theo Tạp chí Văn hóa Quảng Nam

Các tin mới hơn:

Chính phủ điện tử

Tình hình xử lý hồ sơ

Thông tin cần biết

      Giá vàng 
      Xổ số 
       Tỷ giá ngoại tệ
      Thời tiết
      Lịch bay
      Tuyến xe buýt
      Lịch cúp điện

Thăm dò ý kiến

Đánh giá như thế nào cổng thông tin này?